expr:class='"loading" + data:blog.mobileClass'>

http://www.facebook.com/Admin.VuVanTruong

wwwwwwwwwwwwwww

Friday, October 19, 2012

CANH CÒ THỌ XƯƠNG

Từ sau cái vụ phụ huynh sửng sốt vì món Canh gà Thọ Xương do VNE đưa, báo chí lại thêm phen nhốn nháo vì những phát hiện từ thư tịch cổ của cụ Dương Lâm với thư tịch cũ của ông Vũ Bằng rằng có món Canh gà Thọ Xương là đặc sản Hà Nội thật.

Nhà cháu định lọ mọ tìm cho ra những thư tịch kia nhưng thấy các bậc tiền bối, các cao thủ võ lâm về Hán Nôm đã nhanh tay nhanh mắt xử lý trước rồi. Thôi thì trâu chậm uống nước đục, nhà cháu mới vào tàng thư của tổ tiên để lại lâu nay vẫn để trên gác chuồng gà, ngu si sao lại hưởng thái bình, mới khua được cả tập thư tịch Hán Nôm được chép tay để lại. Nét chữ tuy đã mờ theo thời gian nhưng loại mực Cửu Long thì vẫn rõ cái thời cả nước đồng sức đồng lòng ăn bo bo bổ chó. Đọc xong tài liệu này, nhà cháu mới sáng mắt ra. Hóa ra các cụ đều nhầm cả.
Trong cả khối thư tịch gác chuồng gà ấy, không hề có chữ Kê có nghĩa là Con Gà, mà là chữ ấy có nghĩa là Con Cò. 
Mà quả có lý thực. Ca dao đã có câu con cò than rằng: “Ông ơi ông vớt tôi nao / Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng”. Gà thì không thể nấu với măng được. Măng chỉ đi với thịt lợn và thịt cò. Mà măng ở đâu ra? Măng ở câu thơ trước đấy: “Gió đưa cành trúc la đà”. Trên là cành trúc, dưới là củ măng. Lại nữa, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống đến 95 tuổi có thơ rằng: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Đồ ăn gì thì phải đi với thức chấm ấy. Chả thế mà có ông ra vế đối: “Nướng đậu phụ cho cha ăn”. Ông bạn khác đối lại: “Sắc ích mẫu cho mẹ uống”. Ông bạn gạt đi đối sai rồi. Hỏi thì bảo: Ông có lấy đậu phụ chấm với ích mẫu bao giờ không? Không, ai chấm đậu phụ với ích mẫu bao giờ, phải chấm với mắm tôm chứ. Đấy, vậy câu đối chỉnh phải là: Lấy mắm tôm cho mẹ chấm. Trong bài ca dao trên, cảnh cũng được tả đúng vào mùa thu, nên mới có: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương”. 
Dấn thêm một chút nữa, cảnh Hồ Tây thời xa xưa, ngoài nhà chùa ra thì làm gì có ai ở, dân cư còn thưa thớt lắm, phải mãi vào các khu phố Hàng mới có người, chứ đâu có cảnh nhà dân lấn hết cả nhà chùa như ngày nay. Mà nhà chùa thì nhất định không nuôi gà rồi. Nhà chùa không sát sinh. Xung quanh cái con đường Thanh Niên rồi Quán Thánh, Thụy Khuê và Phan Đình Phùng hiện nay chỉ thấy cây cối rậm rạp, um tùm là nơi từng đàn cò ngày ngày về đậu, ỉa trắng cả đất. Xa xa một chút, chỗ rừng bàng Yên Thái, cò cũng nườm nượp rủ nhau về xây tổ ấm. Cò cụ, cò ông bà, cò bố mẹ, cò con, cò cháu, cò chắt… Cả họ nhà cò cùng quần cư quanh Hồ Tây và bát cảnh Tây Hồ. 
Hay ta thử phân tích câu thơ thứ hai làm chuẩn mà xem, cứ tạm thời đặt giả thiết là món Canh gà đi. Nhưng thịt gà thì không thể ăn với măng trúc được. Thịt gà phải có lá chanh. Ca dao đã viết: “Con gà cục tác lá chanh” là để nhấn mạnh điều đó. Cho nên nếu đó là món canh gà thì nhất định câu lục phải đổi thành: “Gió đưa chanh quất la đà”. Ngay từ thời xa xưa, các cụ đã có phát hiện rất hoành tráng là quả quất có thể thay quả chanh để lấy vị chua chấm với thịt gà được. Thậm chí, nếu thiếu lá chanh chấm với thịt gà thì có thể thay bằng lá quất. Tiếc rằng hồi đó khoa học kỹ thuật còn lạc hậu nên các cụ không nhân giống để sản xuất chanh quất đại trà suốt 4 mùa như ngày nay.
Bằng những phân tích nêu trên và theo thư tịch gác chuồng gà của nhà cháu, cái món đặc sản trong câu ca dao về Hà Nội ấy nhất định phải là CANH CÒ. Nghĩa là cả câu ca dao đó phải sửa lại thành: GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ / TIẾNG CHUÔNG TRẤN VŨ, CANH CÒ THỌ XƯƠNG. 
Canh cò nhé, dứt khoát không thể là đặc sản Canh gà được. Hề hề. 
Gác nghênh phong,
Tiết quý thu năm Nhâm Thìn
Chớm nghe tiếng gà gáy sáng,
Khải Mông cẩn bút

No comments:

Post a Comment