Chùa Bà Đanh là danh thắng thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nơi đây từ xa xưa đã gắn liền với câu nói nổi tiếng “vắng như chùa Bà Đanh”.
Từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, qua cầu Hồng Phú đi khoảng 10 km, du khách sẽ nhìn thấy ngôi chùa thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy hiền hòa.
Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự, cạnh hòn núi Ngọc nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Từ bao đời nay, ngôi chùa này được thêu dệt với nhiều truyền thuyết lạ kỳ mà tâm điểm là tượng Bà Đanh.
Phóng viên gặp bác Khương, nhà gần chùa kể lại: “Trước đây, khu vực chùa Bà Đanh là rừng rậm hoang vu, xa khu dân cư, có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Muốn vào đó an toàn chỉ có cách đi thuyền qua sông Đáy để tránh thú dữ, vì bất tiện nên khách thập phương muốn đến lễ bái cũng không có điều kiện… Cây cối um tùm, nhiều thú dữ, không có nhà dân ở, do vậy cảnh chùa càng thêm thâm nghiêm, vắng vẻ, ít người qua lại, nên mới có câu “vắng như chùa Bà Đanh”.
Lối vào chùa
Di tích lịch sử cấp quốc gia
Chùa Bà Đanh, di tích lịch sử cấp quốc gia tiêu biểu của huyện Kim Bảng và tỉnh Hà Nam, thuộc địa bàn thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn. Chùa có tên chữ là Bảo Sơn Tự mang những nét chung của các ngôi chùa dòng phật giáo đại thừa lại có nét riêng độc đáo. Điện thờ phong phú với các tượng phật, bồ tát, hộ pháp và các tượng của đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu… Nhà thờ tổ sư phái thiền tông. Phủ mẫu thờ các tượng tam hòa, tứ phủ. Đặc biệt trong chùa có pho tượng của tín ngưỡng dân gian là pháp phong trong “tứ pháp”. Được thờ ở tỉnh Hà Nam (Pháp Vân, pháp vũ, Pháp Điện, Pháp Phong). Ban đầu dân làng lập đền thờ pháp phong còn đơn sơ trong khu rừng đầu làng ven sông đáy. Đến năm Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1676 – 1680) thì xây dựng ngôi chùa mới khang trang.
Chùa quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng tiếp giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng tam quan của chùa. Tam quan có ba gian và được làm thành hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái lợp bằng ngói, xung quanh sàn gỗ hàng lan can là những trấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim. Trên nóc tam quan đắp một đôi rồng chầu vào giữa. Đối diện với cổng, ở chính giữa về phải hai bên cách một đoạn tường ngắn là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Hàng ngày, khách ra vào chủ yếu đi bằng hai cửa bên này, chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cổng chính giữa mới được mở.
Trong nhà thượng đường của chùa Bà Đanh, có nhiều tượng thờ như tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng và Thái thượng Lão Quân, tượng Bà Chúa Đanh. Có thể coi pho tượng Bà Đanh là một trung tâm của chùa. Tượng được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng (chứ không phải là toà sen), với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, chứ không có dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.
Gian thờ chính của chùa được thiết kế khá đẹp
Chùa Bà Đanh gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn với Tam Quan, ngôi chùa chính, tả vu, hữu vu, nhà tổ, phủ mẫu, nhà khách, nhà ni và các công trình phụ trợ ngoài khuôn viên chùa. Ngôi chùa là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Pháp Phong, tượng phật, bồ tát, khánh đá, đại tự, câu đối, nhang án…
Đôi rồng đá trong chùa
Sáu bộ vì của tòa bái đường ít thấy ở những ngôi chùa khác rất đặc sắc và độc đáo, chạm khắc cả hai mặt với các mô típ tứ linh, động thực vật kết hợp với nhau tạo thành những đề tài ngũ phúc, bát bảo, nét chạm tinh xảo, hoa văn sơn son thiếp vàng lộng lẫy.
Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức từ ngày mồng chín đến ngày mười một, tháng hai (âm lịch) hàng năm. Trong những ngày diễn ra lễ hội tại di tích diễn ra nhiều nghi thức tế lễ truyền thống. Đặc biệt, có lễ cầu an, rước kiệu, đồng thời còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Chọi Gà, Kéo Co, Bơi Thuyền Chải, Cờ Người…